Phần 1: Hãy để con bạn leo núi
Rõ ràng đối với những bậc làm cha mẹ, ai cũng yêu thương con cái, mong cho con có cuộc sống hạnh phúc không chỉ ở trước mắt mà cả cuộc sống tương lai. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để con cái được sống và học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh, đầy đủ về mặt vật chất và nuôi dưỡng tinh thần, mong con cái có thể học được những điều hữu ích giúp phát triển cuộc sống sau này. Điều này là mong ước hiển nhiên đúng và hoàn toàn hợp lý. Nhưng điều này đã thực sự đầy đủ để giúp con bạn trưởng thành chưa? Xin khẳng định là chưa đủ. Cũng giống một cái cây, khi còn non, rõ ràng cây cần được chăm sóc để chống lại sâu bệnh, được bảo vệ bởi hàng rào xung quanh để khỏi bị các loài khác phá hoại.
Nhưng cây có chịu được gió bão hay mưa rông ập đến bất chợt hay không? Phải chăng chúng ta lúc nào cũng có thể canh chừng để giăng mùng bảo vệ cây khi gió bão đến? Chắc chắn là không rồi.Vì vậy hãy tìm cách giúp cây tự đứng vững trước giông bão hay gió mạnh có thể quật đến bất cứ lúc nào. Giáo dục trẻ em cũng vậy.
Hãy giúp bé leo núi ngay khi bé có thể.
Vì điều đó sẽ rèn luyện tính kiên cường ở trẻ, trẻ sẽ học được cách nỗ lực vượt qua những đoạn gập ghềnh trắc trở để leo lên, chứ không phải buông tay để rơi xuống, hay xô ngã người khác để dành lấy chiếc dây thừng của người đó để tồn tại.
Mình nhớ trong một lần đi Nhật được hội bạn rủ đạp xe vào rừng. Trong đoàn đi cùng có một gia đình trẻ người Nhật có một cậu con trai khoảng 6, 7 tuổi. Khu rừng rất rộng nhưng đường đi vào trong toàn là dốc cao. Khi còn ở Việt Nam, mình là người khá yêu thích các môn thể thao và thường xuyên tập chạy, yoga và cả đạp xe nữa.Vậy mà cứ đạp xe khoảng 500m mình lại phải dừng lại để nghỉ vì dốc quá cao và ngược chiều gió. Cả đoàn cứ cắm cúi đạp như vậy, ai mệt thì tự nghỉ, mỗi người được phát 1 chai nước, khát thì uống, người nọ cách người kia đến cả cây số. Mình hầu như là người đạp xe chậm nhất đoàn, chỉ đi trước mỗi cậu bé nhỏ tuổi kia. Mình để ý thấy cậu bé nhễ nhại mồ hôi, mặt có vẻ cau có. Lúc mệt quá cậu bé cũng không dựng chân chống xe mà để xe nằm vật xuống đất mà ngồi bệt bên cạnh nghỉ. Thỉnh thoảng bố mẹ cậu quay lại nhưng không phải để chở mặc dù xe họ cơ chỗ đèo đằng sau. Khuôn mặt họ như có ý nói: được rồi, cố lên nào con trai. Sắp tới đích rồi. Cậu bé vài lần càu nhàu muốn bỏ cuộc, nhưng mình nghe thấy họ nói với con: Hãy cố gắng nếu không con sẽ là người thua cuộc. Ở phía trước cảnh vật rất đẹp, đừng bỏ lỡ nó. Bố mẹ biết con làm được,hãy cố lên. Bố mẹ sẽ đợi con, khi nào con hết mệt thì tất cả lại cùng đi. Rồi họ không nói thêm gì nữa và kiên nhẫn chờ cậu bé phụng phịu nhăn nhó. Cậu bé ngồi đó một lúc rồi nó thấy có vẻ không thuyết phục được ai và cũng không có trò gì khác, nó lại dựng xe lên và đạp tiếp.
Từ đó trở đi, cứ đoạn nào mệt, cậu bé lại tự động dừng xe và nghỉ, hết mệt cậu lại trèo lên xe đạp tiếp và không kêu ca gì nữa.Sau cuộc đi chơi, tôi hết lời khen ngợi cậu bé với bố mẹ cậu ta. Bố cậu ấy đã nói rằng: Trẻ em nên được tập luyện từ nhỏ để rèn luyện ý chí, tinh thần dẻo dai và sự kiên cường để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Càng được tôi luyện, con người sẽ càng trưởng thành và khả năng vướn lên để thành công trong cuộc sống càng cao.
Mình hi vọng đây là một bài học cho tất cả các bậc cha mẹ đang nuôi dạy con cái. Hãy khuyến khích con bạn leo núi càng sớm càng tốt. Xin mọi người hiểu cho “leo núi” ở đây là việc vượt qua các thách thức, khó khăn do bản thân mình tự đặt ra hay do cuộc sống đem lại. Có thống kê đã chỉ ra rằng: Những đứa trẻ được nuông chiều sống trong hoàn cảnh đầy đủ về mặt vật chất thường có tinh thần yếu đuối hơn những đứa trẻ có tuổi thơ khốn khó. Dĩ nhiên nói vậy không có nghĩa là chúng ta bắt con cái mình phải khổ đau hay cơ cực xong việc tạo ra hoàn cảnh hoặc tình huống khó khăn để trẻ nỗ lực vượt qua có giá trị lớn trong việc rèn luyện tinh thần mạnh mẽ và ý chí kiên cường.
Cuối cùng mình xin chúc các bậc cha mẹ tìm ra những bài học leo núi đủ để bé có thể nỗ lực vượt qua mà không làm mất đi niềm hứng khởi đối với cuộc sống của trẻ nhỏ.
NAGOMI Academy